Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bấp bênh “Làng sản xuất tôm giống”

Khi tôm giống ở giai đoạn Postlarvae 10 đến 12 là thời kỳ xuất ra ao nuôi. Theo nhu cầu của người nuôi thương phẩm, các cơ sở sản xuất lấy mẫu chuyển đến Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu xét nghiệm mô học, chạy PCR để kiểm tra các bệnh như đốm trắng (WSSV), taura (TSV), đầu vàng (YHV), bệnh còi (MBV, HBV), bệnh bào tử, hoại tử. Chi cục Thú y tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu kiểm tra, cấp giấy kiểm dịch con giống thủy sản đạt yêu cầu xuất bán cho người nuôi. Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất tôm giống nằm trên địa bàn phường 12, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đều bấp bênh thị trường tiêu thụ.



Theo thống kê của Chi cục thủy sản tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu hiện khu vực phường 12, thành phố Vũng Tàu có tất cả là 112 cơ sở sản xuất giống. Trong đó trên đường Chi Lăng có 105 cơ sở; đường Phước Thắng có 7 cơ sở. Các cơ sở sản xuất được xây dựng chủ yếu ở giai đoạn từ  năm 1995 đến năm 2006 và có tu bổ lại hàng năm. Trong số này có 12 cơ sở chuyển sang sản xuất giống cá chẽm, 5 cơ sở sản xuất hàu. Còn lại là sản xuất truyền thống giống tôm sú và tôm thẻ chân trắng.

Anh Phạm Thanh Hà, một kỹ sư nuôi trồng thủy sản cho biết: Trong năm 2017, việc sản xuất giống tại đây gặp nhiều khó khăn so với những năm trước cả về khâu sản xuất cũng như khâu tiêu thụ. Nhất là các cơ sở sản xuất tôm giống. Một năm cả khu vực ở đây cung cấp ra thị trường từ 1,5-2 tỷ con tôm giống. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là các tỉnh miền tây như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cần Giờ, Long An và một số vùng nuôi trong tỉnh. Tuy nhiên, việc tiêu thụ tôm giống quá khó khăn. Con giống mình sản xuất ra nhưng giá cả thì do thương lái quyết định, thậm chí có thời kỳ tôm ế phải bán chịu để nuôi hy vọng vớt vát lại chút đỉnh, có ít vốn đầu tư tiếp cho đợt sau.

Anh Lê Văn Quyền, chủ cơ sở sản xuất tôm giống trên đường Chi Lăng trăn trở “Việc sản xuất tôm giống ở đây hoàn toàn bị động cả đầu vào và đầu ra. Nếu sản xuất giống tôm thẻ chân trắng, ấu trùng đưa vào nuôi  phải đặt hàng các công ty nhập khẩu tôm thẻ chân trắng bố mẹ như: Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam nhập khẩu từ Thái Lan; Chi nhánh công ty TNHH sản xuất thủy sản An Tài, Công ty TNHH đầu tư thủy sản Đại Dương nhập khẩu từ Mỹ; HTX giống thủy sản Thành Phát, Công ty cổ phần đầu tư công nghệ DRBO nhập khẩu từ Singapore đợi sắp xếp, lên lịch, phân phối. Với sản xuất giống tôm sú, các trại có thể chủ động nguồn ấu trùng thông qua việc mua nguồn tôm bố mẹ từ Rạch Gốc tỉnh Cà Mau hoặc từ các tỉnh miền Trung như Bình Thuận, Ninh Thuận, Nha Trang về nuôi thành thục sinh sản. Để sản xuất được 1 triệu con tôm giống chất lượng cao, kích thước đạt tiêu chuẩn từ P12 đến P15(Postlarvae15) xuất ra ao nuôi, ngoài thức ăn tổng hợp, tảo sinh khối, thì cần 4kg trứng khô Artemia. Các cơ sở thả nuôi 10 bể, chi phí cho mỗi bể khoảng 7 triệu đồng. Nếu tỷ lệ sống nuôi đến P15 đạt khoảng 70%, cho thu hoạch 7 triệu con tôm giống. Xuất bán người nuôi quảng canh giá từ 7-15 đồng/con P15, tùy thời điểm; xuất bán cho nuôi công nghiệp khoảng 25-30 đồng/con, tùy khách hàng. Sau khi trừ chi phí, mỗi đợt thu về từ 10 - 15 triệu đồng. Còn tỷ lệ sống thấp, bể đạt bể không, đầu ra chậm coi như lỗ. Thời gian mỗi đợt sản xuất từ vệ sinh trại, chuẩn bị nguồn nước, đợi thả ấu trùng cho đến lúc thu hoạch mất từ 30-45 ngày.”

Chị Nguyễn Thị Loan, một chủ cửa hàng bán thức ăn đã lâu ở trên đường Chi Lăng cho biết thêm: Các cơ sở sản xuất tôm giống đều do Chi cục Thú y quản lý. Khi con giống đến thời kỳ thu hoạch, các cơ sở sản xuất đem mẫu tôm giống đến Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu xét nghiệm mô học, chạy PCR kỉểm tra các bệnh như bệnh đốm trắng (WSSV), taura (TSV), đầu vàng (YHV), bệnh còi (MBV, HBV), bào tử, hoại tử…. Chi cục Thú y tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu kiểm tra, cấp giấy kiểm dịch. Hồ sơ con giống đạt yêu cầu thể hiện đầy đủ tên cơ sở sản xuất, tên người nhận hàng, số xe vận chuyển, số lượng con giống, ký hiệu từng lô bể tôm, số bao, nhãn hiệu bao bì của cơ sở sản xuất, thời gian, địa chỉ nơi đến … trước khi xuất cho người nuôi. Tuy nhiên, hiện tại các cơ sở sản xuất đang còn trong giai đoạn chờ quy hoạch vùng nuôi tập trung, việc sản xuất còn manh mún, tự phát, thụ động trong khâu tiêu thụ, giá cả bấp bênh, dẫn đến tỷ suất lợi nhuận thấp hoặc người nuôi thua lỗ./.

 

Trọng Hoàng -  TTKN Bà Rịa -Vũng Tàu