Khi được hỏi vì sao anh bén duyên với nghề chăn nuôi thỏ, anh chia sẻ: Năm 2016, anh đã mua 3 con thỏ giống về nuôi thử. Trong quá trình nuôi, anh cảm thấy thỏ rất dễ chăm sóc, nhanh sinh sản và mang lại hiệu quả kinh tế cao nên quyết định đầu tư mở rộng chăn nuôi.
Để mở rộng quy mô như hiện nay với 15 con thỏ đực giống, 120 con thỏ cái sinh sản và tổng đàn thỏ luôn duy trì ở mức 700-800 con, anh đã phải chia làm 2 khu vực nuôi riêng biệt trên gần 1.000m2, một khu nuôi thỏ cái sinh sản và một khu nuôi thỏ con sau khi tách mẹ. Ngoài ra, để chủ động nguồn thức ăn cho thỏ, 7.000m2 còn lại anh đã phá bỏ dần diện tích cà phê già cỗi để trồng cây vông, hiện tại gia đình anh đã trồng được gần 3.000m2 cây vông (năm thứ 3) đang cho thu hoạch lá. Diện tích đất còn lại anh sử dụng để làm bể ủ phân, chăn nuôi gà và diện tích đất ở.
Nuôi thỏ khá đơn giản vì thức ăn cho chúng rất phổ biến, chủ yếu là lá vông (không chỉ có lá vông trồng ở trong vườn, lá này còn dễ kiếm và có sẵn ở những khu vực xung quanh). Lá vông là loại thức ăn tốt nhất, dễ kiểm soát được sâu, với số lượng đàn thỏ trong trại, trung bình 1 ngày tiêu thụ hết 1 tạ lá vông. Ngoài lá vông, anh còn cho ăn bổ sung thêm cám, bắp (nấu chín) và các loại thức ăn khác như cỏ voi, cỏ xả, cây đậu rừng, lá bìm bịp… Dễ nuôi, lợi nhuận cao, ít dịch bệnh, thị trường tiêu thụ lớn là những lợi thế có thể thấy rõ từ chăn nuôi thỏ so với các ngành nghề khác. Theo anh Dư, thông thường chỉ 30 ngày sau sinh là thỏ con có thể tách mẹ, nhưng để thỏ con cứng cáp, khỏe mạnh, ít bệnh và dễ chăm sóc thì nên tách mẹ sau 40 ngày. Vấn đề phòng bệnh cho đàn thỏ cũng được anh hết sức quan tâm, để đàn thỏ được khỏe mạnh anh luôn chủ động áp dụng quy trình phòng bệnh chặt chẽ, đàn thỏ giống được tiêm vắc xin định kỳ 6 tháng/lần, thỏ con từ 1,5 tháng tuổi sẽ tiêm vắc xin một lần cho tới khi xuất bán. Ngoài ra, anh sử dụng men tiêu hóa và kháng sinh để phòng bệnh hô hấp và tiêu hóa cho đàn thỏ…, anh Dư chia sẻ.
Với 120 thỏ cái sinh sản, trung bình mỗi năm thỏ đẻ 5-6 lứa, mỗi lứa 6-8 con. Sau 3 tháng nuôi, trọng lượng đạt 2,5–3 kg/con là có thể xuất bán. Đầu ra thuận lợi, thương lái đến tận trại để thu mua, hàng tháng trại thỏ của anh xuất ra thị trường 5-6 tạ thịt thỏ, với giá trung bình dao động 75.000 – 80.000 đồng/kg đã mang về cho gia đình anh thu nhập 35-40 triệu đồng/tháng. Ngoài bán thỏ thịt, gia đình anh Dư còn cung cấp thỏ con và thỏ cái đã mang thai với giá lần lượt 130.000 đồng/cặp thỏ con 01 tháng tuổi và 140.000 đồng/kg thỏ cái đã mang thai cho những ai có nhu cầu nuôi.
Để khuyến khích bà con quanh vùng nuôi thỏ, ngoài việc tư vấn kỹ thuật cho người mua, đổi con giống không đạt yêu cầu, gia đình anh còn nhận bao tiêu sản phẩm cho người nuôi mua giống của gia đình.
Chưa dừng lại ở đây, trong quá trình nuôi, nhận thấy phân thỏ thải ra khá nhiều, ảnh hưởng đến môi trường, anh nảy ra ý định dùng vỏ cà phê rải bên dưới, vừa giảm mùi hôi, lại đỡ công dọn chuồng. Trung bình cứ 10 ngày anh mới dọn chuồng một lần. Lượng phân trộn với vỏ cà phê này được anh đem ủ với nấm Trichoderma, sau 3 tháng ủ, gia đình anh lại có phân hoai mục để bón cho diện tích vông đang trồng. Ngoài ra, hàng năm theo ước tính, gia đình anh có thể thu được hơn 1.000 bao phân/bao 25kg, với giá bán 35.000 đồng/bao, đã mang lại cho gia đình anh thu nhập thêm 35-40 triệu đồng.
Với nguồn thức ăn dư thừa (cám và bắp thỏ ăn còn dư) từ việc nuôi thỏ, anh tận dụng nuôi thêm hơn 200 con gà để tăng thêm thu nhập. Bên cạnh đó, anh cũng đang thử nghiệm nuôi trùn quế để tận dụng chất thải của thỏ. Nếu thành công sẽ mang lại thêm nguồn thu đáng kể cho gia đình anh. Từ việc tận dụng triệt để được tất cả các phế phụ phẩm từ nông trại, đã giúp cho gia đình anh vừa nâng cao được hiệu quả kinh tế, tăng thêm các nguồn thu nhập, vừa đảm bảo được vệ sinh môi trường.
Anh Nguyễn Thế Phong – Chủ tịch Hội Nông dân xã Bảo Thuận khẳng định: Nuôi thỏ là một hướng đi mới, phù hợp điều kiện đất đai và thổ nhưỡng tại địa phương. Đây là một mô hình kinh tế có hiệu quả, trong thời gian tới, Hội sẽ chú trọng công tác tuyên truyền xuống tới từng người nông và nhân rộng mô hình nuôi thỏ ra trên địa bàn toàn xã Bảo Thuận để bà con học tập./.
Văn Thọ - TTKN Lâm Đồng