Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bảo đảm chăn nuôi ổn định, an toàn dịch bệnh những tháng cuối năm

8 tháng đầu năm 2021, ngành chăn nuôi triển khai thực hiện kế hoạch trong điều kiện đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động đến đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và gây ảnh hưởng tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản; Dịch bệnh trên động vật diễn biến phức tạp; Biến đổi khí hậu đã phần nào ảnh hưởng đến hoạt động, sản xuất chăn nuôi; Thị trường tiêu thụ nông sản giảm và chịu tác động từ chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, các nước gia tăng hàng rào kỹ thuật. Nhiều hàng hóa gặp khó khăn trong xuất khẩu.



Những tháng đầu năm 2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp & PTNT, UBND các tỉnh, thành phố đã quan tâm chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, nên đã kiểm soát tốt các loại dịch bệnh, tạo thuận lợi cho chăn nuôi phát triển. Tổng đàn lợn 26,67 triệu con (tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2020), gia cầm hơn 518 triệu con (tăng 4,2%), đàn bò tăng 1,8%; tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt khoảng hơn 4,5 triệu tấn, sản lượng trứng gia cầm đạt 11,4 tỷ quả, tăng 5%; thủy sản đạt xấp xỉ 5,7 triệu tấn cả khai thác và nuôi trồng,... Bộ Nông nghiệp & PTNT đã xuất cấp cho các địa phương 90 nghìn liều vắc xin, 279 nghìn lít hóa chất phòng dịch bệnh gia súc, gia cầm và 380 tấn hóa chất phòng dịch bệnh thủy sản. Theo nhận định của Bộ Nông nghiệp & PTNT, thời gian tới nguy cơ phát sinh, lây lan dịch cúm gia cầm độc lực cao A/H5N1, A/H5N6 và A/H5N8; bệnh dịch tả lợn châu Phi; bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục, dịch tai xanh... là rất cao.

Để đạt được một số chỉ tiêu chính năm 2021, đó là tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi bình quân năm 2021 đạt khoảng 5-6%;Sản lượng thịt các loại đạt khoảng 5,8 triệu tấn, trong đó: thịt lợn đạt khoảng 3,7 triệu tấn (tăng 6,1%), thịt gia cầm đạt khoảng 1,69 triệu tấn (tăng 5,8%), thịt bò đạt khoảng 449 nghìn tấn (tăng 6%); Sản lượng trứng các loại đạt khoảng 16 tỷ quả (tăng 7,5%) và sản lượng sữa đạt khoảng 1,2 triệu tấn (tăng 11,5%), tại hội nghị trực tuyến với các địa phương toàn quốc về công tác phòng, chống dịch bệnh động vật các tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 do Bộ Nông nghiệp & PTNT vừa tổ chức, đồng chí Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT khẳng định: Mặc dù có nhiều khó khăn do dịch bệnh, thời tiết, sâu bệnh song chăn nuôi, chế biến nông sản, thủy sản vẫn đạt kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào sự ổn định và phát triển của đất nước. Để ngành Nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ nền kinh tế đất nước trong những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, các tỉnh, thành phố cần tập trung các nguồn lực để tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định. Tăng cường tuyên truyền sâu rộng về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục, trong đó nhấn mạnh nguy cơ lây lan dịch bệnh rất nhanh, gây tổn thất kinh tế lớn. Tổ chức giám sát, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan diện rộng. Khẩn trương tổ chức tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi theo kế hoạch. Thực hiện nghiêm việc báo cáo tình hình dịch bệnh động vật; hướng dẫn người nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động phòng bệnh bằng biện pháp vệ sinh, tiêu độc, khử trùng. Giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán trâu, bò và sản phẩm trâu, bò; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán trâu, bò nhập lậu qua biên giới. Thành lập các đoàn kiểm tra, chỉ đạo và hướng dẫn việc phòng, chống dịch bệnh động vật tại cơ sở. Chú trọng công tác giám sát dịch bệnh chủ động đối với các bệnh nguy hiểm trên thủy sản. Tổ chức quan trắc, cảnh báo môi trường và giám sát dịch bệnh tại nguồn, nhất là các vùng nuôi tập trung, vùng nuôi trọng điểm. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong phát triển chăn nuôi, xây dựng các mô hình nuôi mới, hiện đại, đồng bộ. Tiếp tục xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh đối với một số doanh nghiệp tại các địa phương.

Đối với ngành chăn nuôi Hà Nội, để bảo đảm nguồn cung cho thị trường phục vụ nhân dân Thủ đô trong mọi hoàn cảnh, nhất là vào dịp cuối năm 2021, cũng như Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, thời gian qua, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội đã tăng cường phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã… triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh; đồng thời khuyến khích các cơ sở chăn nuôi thúc đẩy việc tái đàn theo hướng chăn nuôi an toàn.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội (Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội) Nguyễn Ngọc Sơn thông tin: Mặc dù chăn nuôi và cung ứng sản phẩm chăn nuôi gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng với những “vùng xanh” (vùng an toàn không có dịch Covid-19), ngành Nông nghiệp Thủ đô đã đẩy mạnh phối hợp với các địa phương hỗ trợ các cơ sở chăn nuôi vừa phòng, chống dịch, vừa gia tăng sản xuất nhằm ổn định tổng đàn. Đến hết tháng 8-2021, tổng đàn trâu, bò toàn thành phố là 162.089 con, đàn lợn 1.453.698 con, đàn gia cầm 36.595.680 con,… Dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tái đàn, tăng đàn đáp ứng nhu cầu thị trường trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và chuẩn bị nguồn cung thực phẩm vào dịp cuối năm.

Theo tính toán của ngành Nông nghiệp, nếu dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều khu vực bị cách ly, phong tỏa thì hoạt động lưu thông hàng hóa gặp khó khăn, lúc đó giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi sẽ bị thiếu do nguồn cung bị đứt gãy khiến các chi phí sản xuất, lưu thông tăng cao. Điều này sẽ ảnh hưởng đến giá thành của sản phẩm trên thị trường... Nhằm chủ động ứng phó, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội đã phối hợp với các địa phương, chủ trang trại chăn nuôi triển khai nhiều giải pháp thực hiện tốt "mục tiêu kép" trong chăn nuôi: Vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển chăn nuôi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm an toàn cho thị trường, đặc biệt là các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân trong phòng, chống dịch bệnh, đẩy mạnh tái đàn, tăng đàn vật nuôi ở các “vùng xanh” theo Phương án tổ chức sản xuất nông nghiệp Sở đã xây dựng. Tập trung phát triển chăn nuôi lợn, gia cầm và bò thịt, bò sinh sản để bảo đảm nguồn cung cho thị trường. Sở đã tham mưu Thành phố có chính sách cụ thể, kịp thời đáp ứng yêu cầu trước tình hình khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19 như hỗ trợ giống, lưu thông tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn thành phố và các tỉnh; đảm bảo vật tư, hóa chất, trang thiết bị chuyên ngành cho phòng chống dịch bệnh; thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và xây dựng chuỗi liên kết, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông lâm thủy sản,...

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc duy trì phát triển đàn gia súc, gia cầm để chủ động, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Để làm được điều đó, các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã và người chăn nuôi cần tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, chăn nuôi an toàn./.

                                    Lưu Phượng