Đoàn đã đi kiểm tra 4 cơ sở cung cấp nông sản trên địa bàn. Tại khu sản xuất sơ chế thực phẩm An Hòa (xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm), trong khuôn viên rộng hơn 10.000m2 là nhiều loại rau đang được sản xuất trong diện tích nhà màng theo quy chuẩn VietGAP. Hiện tại, doanh nghiệp đang có hơn 10 loại rau thủy canh và địa canh cung cấp cho các chuỗi siêu thị. Để đáp ứng nhu cầu rau sạch cho thị trường, cơ sở còn liên kết với một số HTX ở Hà Nội và mở rộng vùng trồng tại Đà Lạt, Mộc Châu.
Kiểm tra cơ sở chế biến thực phẩm 3 Brothers (xã Tiên Dương, huyện Đông Anh), đoàn liên ngành đánh giá cao mô hình sản xuất một chiều của doanh nghiệp, đảm bảo khá tốt vệ sinh công nghiệp trong diện tích hạn chế 300m2. Tuy nhiên, khu vực kho gia vị của doanh nghiệp còn sơ sài, nhãn mác sản phẩm theo công bố và thực tế lại khác nhau có thể gây hiểu lầm cho người tiêu dùng, cần phải sớm khắc phục.
Kết thúc buổi kiểm tra thực tế, đoàn đã có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo công tác ATTP thành phố Hà Nội về việc triển khai các công tác đảm bảo vệ sinh ATTP trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2023. Thực hiện Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023, Hà Nội đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người sản xuất, kinh doanh về chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm. Toàn thành phố thành lập 699 Đoàn thanh tra, kiểm tra về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, đã kiểm tra 16.275 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến nông sản, thực phẩm, trong đó số cơ sở đạt là 13.893 cơ sở, chiếm tỷ lệ 85,3%; 2.382 cơ sở vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm. Trong đó, xử phạt hành chính hơn 1.400 cơ sở với số tiền hơn 3,2 tỷ đồng; tịch thu giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP 12 cơ sở, đình chỉ hoạt động 66 cơ sở.
Đánh giá về thực hiện Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Nông nghiệp & PTNT, Phó Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Thu Thủy cho biết, Hà Nội đã có sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể trong hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức an toàn thực phẩm và công tác thanh tra, kiểm tra.
Trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm không có vụ ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm xảy ra. Để tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm, Hà Nội cần bố trí kinh phí để phục vụ công tác xét nghiệm, lấy mẫu, kịp thời phát hiện cơ sở sản xuất, kinh doanh không bảo đảm an toàn thực phẩm; tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ cơ sở giết mổ tập trung ở các địa phương được quy hoạch hoạt động hiệu quả nhằm cung cấp nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô./.
Nguyễn Vàn