Từ trăn trở làm sao cho cuộc sống vơi bớt khó khăn cộng với ý chí vươn lên, tinh thần lao động bền bỉ nên khi Nhà nước có chính sách khuyến khích phát triển kinh tế hộ gia đình, gia đình chị đã mạnh dạn vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân số tiền 500 triệu đồng và vay mượn anh em bạn bè để đấu thầu 6,5 ha đất nông nghiệp của Hợp tác xã Đại Đồng Thành để xây dựng mô hình trang trại tổng hợp chăn nuôi kết hợp trồng trọt.
Theo đó, gia đình chị đầu tư xây dựng 1500m2 chuồng nuôi 1000 con lợn với tiêu chuẩn "đông ấm, hè mát", vật nuôi được tiêm vắc xin định kỳ. Để đảm bảo nguồn thức ăn chăn nuôi, đồng thời giảm bớt chi phí, chị kết hợp thóc, sắn, ngô trộn với thức ăn chăn nuôi công nghiệp khác. Để tránh dịch bệnh, chuồng trại luôn được vệ sinh sạch sẽ. Đặc biệt, chất thải chăn nuôi được xử lý triệt để, phân khô dùng làm phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp; nước thải được cho vào bể bioga để làm khí đốt giúp tiết kiệm chi phí và đảm bảo vệ sinh môi trường. Trong khi nhiều hộ nông dân bỏ chuồng vì chăn nuôi lợn không hiệu quả và thua lỗ do dịch bệnh, đầu ra thị trường không ổn định thì ngược lại gia trại của gia đình chị vẫn phát triển ổn định. Lợn giống và lợn thương phẩm luôn được thương lái và hộ chăn nuôi tin tưởng về chất lượng. Được biết, năm 2017, trang trại của gia đình chị xuất ra thị trường khoảng 140 tấn thịt lợn.
Nhằm tăng gia sản xuất, cũng trên diện tích trang trại gia đình chị đào hơn 2 ha ao thả 5 vạn cá với hàng chục loại như: rô, chép, trắm, trôi, mè…; đồng thời trồng nhiều loại cây trồng phù hợp với xu thế của thị trường, cho thu nhập cao như: đinh lăng, măng tây xanh, chuối, bưởi…
Để mô hình đạt hiệu quả, chị không ngừng tìm hiểu, cập nhật kiến thức, kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi trên sách, báo, các phương tiện thông tin đại chúng và thường xuyên tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật mới do Hội Nông dân các cấp tổ chức; tích cực tham gia những chuyến thăm quan, học tập kinh nghiệm các mô hình kinh tế tiêu biểu tại các địa phương trong và ngoài tỉnh. Từ đó áp dụng những điểm tích cực vào mô hình trang trại tổng hợp của gia đình sao cho đạt hiệu quả cao nhất.
Được biết, tổng lợi nhuận từ trang trại của gia đình chị năm 2017 đạt trên 2 tỷ đồng. Cũng từ mô hình đã tạo điều kiện cho 15 lao động có việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định từ 5 đến 6 triệu đồng/tháng, đồng thời gia đình chị cho 5 hộ vay không lấy lãi số tiền 250 triệu đồng.
Đánh giá về hội viên nông dân Nguyễn Thị Quyên, ông Nguyễn Ngọc Lộc, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thuận Thành cho biết: “Chị Nguyễn Thị Quyên là hội viên gương mẫu, tích cực tham gia đầy đủ các phong trào của Hội, nhiệt tình giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho các hội viên khác, là một tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi, xứng đáng để mọi người noi theo, học hỏi”.
Với những cố gắng của mình trong phát triển kinh tế, nhiều năm liền, chị Hội Nông dân huyện Thuận Thành tuyên dương, công nhận là một trong những điển hình tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế trên địa bàn huyện. Vinh dự hơn nữa là năm 2017 vừa qua, gia đình chị đã được trao tặng danh hiệu Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương giai đoạn 2012-2016./.
NT (Theo TTKNQG)