Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Ba Vì: Chị Cúc vượt qua khó khăn để làm giàu

Nhiều năm nay, chị Trần Thị Kim Cúc (thôn Vật Lại 1, xã Vật Lại, Ba Vì) luôn là một tấm gương tiêu biểu của chị em phụ nữ trong thôn vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.



Chị Cúc cho biết, để có thể có cơ ngơi như ngày hôm nay là cả một quá trình bền bỉ mà chị và chồng đã vượt qua nhiều khó khăn thử thách, nhất là giai đoạn đầu thiếu vốn, kinh nghiệm sản xuất.

Năm 1998, gia đình chị đã mạnh dạn nhận thầu 1,3 mẫu đất 50 năm từ xã, ngày đầu mới ra, đây là khu vực đồng chiêm trũng, cấy lúa không hiệu quả, giao thông thì cách biệt, vốn sản xuất eo hẹp, có những lúc chị cảm tưởng không thể vượt qua được, nhưng bằng ý chí, nghị lực, chị đã vượt qua khó khăn. Trên mảnh đất 1,3 mẫu này, chị  Cúc quyết định tập trung vào chăn nuôi và trồng cây ăn quả, cây chè. Chị quyết định trồng 1 mẫu chè, đó là giống chè cao sản của Đài Loan. Để chăm sóc chè có năng suất, chất lượng tốt, chị Cúc đã quyết định đi học hỏi kinh nghiệm trồng, chăm sóc chè, phòng trừ sâu bệnh của các hộ ở nông trường Việt Mông.

Sau quá trình này, tận dụng nguồn phân từ chăn nuôi gà và chăn nuôi lợn, chị đã dùng phân bón cho chè. Vì vậy, diện tích chè của chị rất ít sâu bệnh, có năng suất cao. Mỗi năm từ trồng chè cho chị khoảng 1 tấn chè búp khô, trừ chi phí lãi cũng từ 60 triệu đến 70 triệu đồng. Cũng trên diện tích chè này, chị quyết định trồng xen canh 35 cây bưởi Diễn và 90 cây bưởi da xanh. Cây bưởi Diễn được chị trồng khoảng 10 năm nay. Chị cho biết, để cây bưởi Diễn có quả ngọt, ăn mát, chị đã chủ động chăm sóc cây bằng phân chuồng ủ hoai mục. Sau mỗi vụ thu hoạch thì bắt đầu tăng cường tưới nước, bón phân. Trong đó, phân chuồng chiếm tỷ lệ cao cùng khoảng 3kg phân lân cộng 1kg NPK cho mỗi gốc bưởi. Ở thời kỳ cây đậu quả phải bón thêm một đợt phân nữa. Để có quả bưởi Diễn ngon, khâu tưới nước cho cây là rất quan trọng. Nguyên nhân là bởi độ ẩm ở các vườn khác nhau nên chăm sóc làm sao quả bưởi đến tháng 11 âm lịch là bắt đầu cho thu hoạch. Đến nay, mỗi năm từ trồng bưởi Diễn cho chị thu lãi từ 30 đến 35 triệu đồng. Riêng bưởi da xanh năm nay là năm thứ hai cũng cho chị thu lãi 15 triệu đồng. Cũng trên diện tích này, ngoài trồng các loại cây trên, chị Cúc còn tập trung vào chăn nuôi gà, cá. Mỗi năm chị nuôi khoảng 5.000 gà, chia làm hai lứa gà, gà bắt đầu nở ở các lò ấp trứng là chị bắt về nuôi, sau khoảng 4 đến 5 tháng là bắt đầu xuất chuồng. Để nuôi gà thành công, chị đã chủ động dành nhiều thời gian theo dõi gà ăn, uống, xem gà phát triển bình thường hay có biểu hiện khác lạ để kịp thời xử lý. Dày công tìm hiểu, tích lũy kinh nghiệm, đến nay chỉ cần nhìn vào màu phân gà, quan sát lượng thức ăn tiêu thụ trong ngày của đàn gà là chị Cúc có thể chẩn đoán được dấu hiệu bệnh của từng con để phòng ngừa kịp thời. Vì vậy, đàn gà của chị Cúc lớn, mỗi năm chị xuất khoảng 8 đến 9 tấn gà và có lãi hàng trăm triệu đồng. Về nuôi cá, với diện tích 7 sào, chị tập trung nuôi các loại chép, mè, trôi, trắm, bình quân mỗi năm cũng cho thu lãi 20 triệu đồng.

Để có thể chăn nuôi, trồng cây hiệu quả như vậy, chị Cúc tâm sự thêm “Trong một ngày làm việc, tôi luôn phải bố trí, sắp xếp thời gian hợp lý, việc nào cần làm trước, việc nào cần làm sau, bố trí việc cho nhân công làm thuê, bởi vậy cũng góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cao”.

Chị Nguyễn Thị Xuyến, Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Vật Lại 1 cho biết “Chị Cúc ngoài công việc gia đình làm ăn kinh tế giỏi, chị còn luôn tích cực tham gia công tác của tổ phụ nữ thôn, đóng góp được nhiều phong trào trong chi hội, đồng thời sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm làm ăn cho các chị em khác”.

Với sự nỗ lực của mình, chị Cúc đã làm giàu trên quê hương, là tấm gương phụ nữ tiêu biểu của thôn. Mỗi năm trừ chi phí chị cũng thu lãi từ chăn nuôi, trồng trọt là hơn 200 triệu đồng. Có thể nói, chị Trần Thị Kim Cúc thực sự là tấm gương lao động sản xuất giỏi trên quê hương Vật Lại anh hùng./.

 

Hồng Đạt - Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao Ba Vì