Theo đó, quan điểm phát triển là Quy hoạch tổng thể nông nghiệp thành phố Hà Nội phải bảo đảm phù hợp với Quy hoạch phát triển nông nghiệp quốc gia và vùng Đồng bằng sông Hồng; phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Phát triển nông nghiệp hiện đại trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và phương thức sản xuất tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Phát triển nông nghiệp gắn với chuyển đổi cơ cấu lao động trong nông nghiệp, quá trình đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới văn minh, tăng hiệu suất sử dụng đất và tăng năng suất lao động nông nghiệp, nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân.Mục tiêu phát triển chung: Tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng năng suất và chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tạo ra những vùng sản xuất hàng hóa tập trung lớn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Ưu tiên phát triển những cây, con có lợi thế; giảm dần diện tích sản xuất cây lương thực đi đôi với việc phát triển lúa chất lượng cao; tăng sản xuất rau an toàn, hoa cây cảnh, cây ăn quả nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng nâng cao hiệu quả kinh tế, hiệu quả sử dụng đất, nguồn nước, lao động và vốn đầu tư. Chuyển mạnh phát triển chăn nuôi theo hình thức công nghiệp, tập trung ngoài khu dân cư; Theo định hướng ổn định tổng đàn lợn và gia cầm tăng nhanh đàn bò sữa, phát triển đàn bò thịt. Phát triển thủy sản theo hướng tập trung thâm canh, tăng nhanh năng suất, phát triển bền vững.Mục tiêu cụ thể đến năm 2020 như sau: Tăng trưởng bình quân GDP giai đoạn 2011-2020 là 1,5-2,0% /năm; giai đoạn 2021-2030 đạt 1,2-1,5% năm. Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2011-2020 là 1,85%/năm; giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 1,5%/năm. Tỷ trọng kinh tế nông nghiệp trong GDP Thành phố năm 2020 khoảng 2%-2,5%. Cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2020: Trồng trọt 34,5%; chăn nuôi 54,0%, thủy sản 11,5%. Giá trị sản xuất nông nghiệp 01 ha đất nông nghiệp (giá thực tế): năm 2020 đạt trên 340 triệu đồng.Để đạt được các mục tiêu trên, Thành phố đã đề ra một số giải pháp chủ yếu gồm: Quản lý quy hoạch; Giải pháp về vốn; Xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp, dồn điền đổi thửa, đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp; Nâng cao năng lực, hiệu quả các dịch vụ phát triển sản xuất nông nghiệp; Nâng cao năng lực quản lý nhà nước các cấp về lĩnh vực nông nghiệp; Xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án trọng tâm; Đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất; Đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ trong canh tác, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản; Giải pháp về thị trường,… TTKN (TH)
Download file đính kèm