Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) đã có công văn khuyến nghị Sở NN-PTNT các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương một số vấn đề để phát triển chăn nuôi bền vững trong thời gian tới.
Page Content
Khuyến nghị nêu rõ, do từ năm 2013 - 2016 giá thịt lợn hơi tăng cao nên nhiều công ty đầu tư lớn vào chăn nuôi. Tuy nhiên, đa số các công ty chưa hình thành chuỗi giá trị thịt lợn từ chăn nuôi, giết mổ, chế biến và phân phối. Một số DN có giết mổ công nghiệp nhưng chưa đầu tư hệ thống kho mát và kho đông lạnh công suất lớn để bảo quản, mà chủ yếu xuất bán thịt tươi ở thị trường trong nước nên khó đáp ứng các yêu cầu về XK thịt mảnh đông lạnh theo con đường chính ngạch.
Để phát triển bền vững, Sở NN-PTNT cần hướng dẫn cho các DN lớn phát triển chăn nuôi lợn từ 1.000 nái bố mẹ - nuôi lợn thịt đến xuất chuồng và 30.000 lợn thịt trở lên phải cân nhắc kỹ những vấn đề sau: (1) Đánh giá tác động môi trường; (2) Chăn nuôi theo chuỗi; (3) Kế hoạch tiêu thụ sản phẩm trên thị trường nội địa; (4) Lộ trình XK sản phẩm chăn nuôi.
Về thịt bò, hiện tiêu dùng ngày càng tăng trong khi chăn nuôi trong nước mới đáp ứng 75 - 80%. Để phát triển bền vững và hiệu quả, các Sở NN-PTNT hướng dẫn cho các DN lớn phát triển chăn nuôi bò thịt từ 1.000 bò sinh sản và 5.000 bò thịt trở lên phải cân nhắc kỹ những vấn đề sau: (1) Nuôi bò sinh sản để từng bước chủ động nguồn bò thịt để vỗ béo; (2) Trồng cỏ và ngô sinh khối đi kèm với chế biến chúng và các phụ phẩm công nông nghiệp làm thức ăn cho bò; (3) Ký hợp đồng gia công với nông dân và các tổ chức liên kết sản xuất như HTX, tổ hợp tác để nuôi bò gia công, trồng cỏ, trồng ngô sinh khối và cây TĂCN; (4) Giết mổ công nghiệp gắn với xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và kế hoạch tiêu thụ sản phẩm trên thị trường nội địa; (5) Khuyến khích XK sản phẩm thịt bò.
Hiện chăn nuôi bò sữa trong nước mới đáp ứng 30 - 33% nhu cầu tiêu dùng sữa và sản phẩm sữa, vì vậy, tiềm năng để phát triển còn rất lớn. Tuy nhiên cần chú ý: (1) Chỉ xây dựng cơ sở chăn nuôi bò sữa khi ký được hợp đồng thu gom sữa với các công ty chế biến sữa có sẵn trên địa bàn; (2) Phải có diện tích đất trồng cỏ và ngô sinh khối đáp ứng tối đa 10 - 12 con/ha; (3) Quy mô tối thiểu là 8 con vắt sữa thường xuyên trở lên đối với nông hộ và 20 con vắt sữa thường xuyên với quy mô trang trại.
Về chăn nuôi dê thịt, nhập các loại dê đực giống chuyên thịt năng suất cao (Barbary, Boer, Jumnabary…) từ Úc, Hoa Kỳ, Canada, Nam Phi… về để lai tạo với dê bản địa (dê cỏ, bách thảo) nhằm có sức kháng bệnh cao hơn và thích nghi tốt với điều kiện khí hậu. Trồng cây thức ăn và chế biến phụ phẩm làm thức ăn cho dê. Kiểm soát tốt một số dịch bệnh và lập kế hoạch khả thi cho tiêu thụ sản phẩm.
Về chăn nuôi dê sữa cần lưu ý: Giống dê sữa nhập ngoại (Saanen, Nubien, Alpine…) và dê sữa lai có khả năng thích nghi tốt với một số vùng, địa phương. Trại dê sữa phải đầu tư đồng bộ hệ thống thu gom sữa, chế biến sữa. Cần có thị trường cho sản phẩm sữa dê, tập trung vào nhà hàng, siêu thị, người thu nhập cao. Đa dạng hóa sản phẩm từ sữa dê và xây dựng thương hiệu như sữa dê, phó mát dê, sữa chua làm từ sữa dê…/.
TX (Theo Báo NNVN)