Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Kết quả sau 2 năm thực hiện Thí điểm Bảo hiểm nông nghiệp theo quyết định 315 của Thủ tướng Chính phủ

Đầu tháng 5/2013, Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp & PTNT tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả sau gần 2 năm thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) tại 21/63 tỉnh, thành phố được chọn làm thí điểm bảo hiểm về cây trồng, vật nuôi và thủy sản theo Quyết định 315 của Thủ tướng Chính phủ. Tính đến thời điểm 30/4/2013 có 234.233 hộ dân đã tham gia ký hợp đồng bảo hiểm (trong đó có 80,8% là hộ nghèo), với giá trị bảo hiểm cây trồng, vật nuôi và thủy sản là 5.437.574 triệu đồng, tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc là 303.295 triệu đồng.



Về cây lúa các tỉnh thực hiện thí điểm gồm 7 tỉnh (Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp)với tổng diện tích trồng lúa đã tham gia bảo hiểm là 45.412 ha, tổng số hộ tham gia bảo hiểm là 189.797 hộ. Tổng giá trị được bảo hiểm là 1.477.857 triệu đồng,tổng số phí bảo hiểm là 65.126 triệu đồng, đã giải quyết bồi thường 6.314 triệu đồng, còn phải bồi thường 2.800 triệu đồng. Về vật nuôi, gồm 9 tỉnh thực hiện thí điểm bảo hiểm (Bắc Ninh, Nghệ An, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Hài Phòng, Thanh Hóa, Bình Định, Bình Dương, Hà Nội) với tổng số vật nuôi tham gia là 623.131 con (bao gồm trâu, bò thịt, bò sữa, lợn, gia cầm). Tổng số hộ tham gia gia bảo hiểm là 29.163 hộ. Tổng số giá trị được bảo hiểm là 1.104.904 triệu đồng,tổng số phí bảo 38.748 triệu đồng, đã giải quyết bồi thường là 2.362 triệu đồng, còn phải bồi thường 258 triệu đồng. Về thủy sản gồm 5 tỉnh làm thí điểm(Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến tre, Cà Mau) với tổng diện tích tham gia bảo hiểm là 5.523 ha, tổng số hộ tham gia bảo hiểm là 15.275 hộ, tổng giá trị được bảo hiểm là 2.855.013 triệu đồng, tổng số phí bảo hiểm là 199.421 triệu đồng, đã giải quyết bồi thường 458.145 triệu đồng, còn phải bồi thường 41.197 triệu đồng. Thành phố Hà Nội được chọn thực hiện thí điểm BHNN trên đàn bò sữa và đàn lợn. Thành phố đã chọn 2 huyện là Chương Mỹ thực hiện bảo hiểm lợn, chọn huyện Ba Vì thực hiện bảo hiểm trên đàn bò sữa.  Kết quả tính đến ngày 30/4/2013, về bảo hiểm bò sữa trên địa bàn huyện Ba Vì  có 16/19 xã đã triển khai với tổng số bò sữa tham gia bảo hiểm là 1.027 con. Số hộ tham gia bảo hiểm 334 hộ(trong đó 45 hộ nghèo, 18 hộ cận nghèo, 271 hộ bình thường). Tổng số phí bảo hiểm 1.589,58 triệu đồng (trong đó Ngân sách hỗ trợ 1.007,13 triệu đồng). Việc giải quyết bồi hoàn, số bò sữa rủi ro bồi hoàn 49 con, số tiền bồi hoàn là 1.332 triệu đồng (83,7% tổng số tiền tổng thu). Về thực hiện bảo hiểm lợn, Thành phố đã chọn 3 xã thuộc huyện Chương Mỹ (gồm Trung Hòa, Tốt Động, Đại Yên) và 3 xã thuộc huyện Ba Vì (gồm Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài). Tại huyện Chương Mỹ, số hộ tham gia bảo hiểm 1.034 hộ (trong đó 244 hộ nghèo, 71 hộ cận nghèo, 719 hộ bình  thường). Số lợn tham gia bảo hiểm 8.302 con (Tổng đàn lợn thuộc 3 xã 10.567 con), tỷ lệ lợn tham gia bảo hiểm 78,6%/ so với tổng đàn). Tổng số phí bảo hiểm 970,5 triệu đồng (trong đó Ngân sách hỗ trợ 702,2 triệu đồng). Việc giải quyết bồi hoàn, số lợn chết 193 con, số tiền bồi hoàn là 346,21 triệu đồng (35,6% tổng số tiền tổng thu). Tại 3 xã thuộc huyện Ba Vì mới bắt đầu triển khai từ tháng 3/2013,số hộ tham gia là 30 hộ (trong đó có 7 hộ nghèo, 6 hộ cận nghèo, 17 hộ bình  thường). Số lợn tham gia bảo hiểm 399 con, tổng số phí bảo hiểm 52,12 triệu đồng (trong đó Ngân sách hỗ trợ 38,9 triệu đồng). Sau thời gian triển khai, cái được lớn nhất mà các tỉnh, thành được chọn làm thí điểm đều khẳng định là việc bảo hiểm nông nghiệp là đúng đắn và rất cần thiết nhằm hỗ trợ cho người sản xuất nông nghiệp, chủ động khắc phục và bù đắp những thiệt hại tài chính do hậu quả của thiên tai dịch bệnh gây ra góp phần bảo đảm ổn định an sinh xã hội nông thôn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Với mục tiêu đó nên các tỉnh, thành đã tập trung tổ chức chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và làm tốt công tác tuyên truyền nên bước đầu đã thu được kết quả đáng ghi nhận. Bài học kinh nghiệm mà các tỉnh, thành được chọn làm thí điểm BHNN rút ra là sự phối hợp của các cấp các ngành, phải thường xuyên, sâu sát, nắm bắt tình hình thực tế triển khai, kịp thời điều chỉnh cơ chế chính sách và đưa ra các giải pháp phù hợp thực tiễn sản xuất. Cụ thể như trong quá trình triển khai, Ban chỉ đạo Trung ương đã kịp thời tham mưu đề xuất với Chính phủ cho phép điều chỉnh về phạm vi, đối tượng, mức phí bảo hiểm để các tỉnh, thành triển khai có hiệu quả. Bên cạnh đó làm tốt công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn trực tiếp đến cán bộ cơ sở và người chăn nuôi. Kịp thời giải quyết rủi ro khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra (việc giải quyết nhanh, kịp thời giúp cho người dân yên tâm khi tham gia bảo hiểm). Phải đảm bảo ban hành hệ thống cơ chế chính sách đầy đủ phù hợp thực tế, chặt chẽ rõ ràng, có hướng dẫn cụ thể và giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy trình canh tác, sản xuất, công bố xác định dịch bệnh. Việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp thành công cần thiết phải có sự hỗ trợ của Nhà nước. Ngoài cơ chế hỗ trợ phí bảo hiểm cho người dân cũng cần xem xét cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp bảo hiểm trong trường hợp tổn thất xảy ra lớn làm ảnh hưởng đến phát triển chung của doanh nghiệp. Những khó khăn trong quá trình triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp mà các tỉnh,thành thường gặp phải đó là bảo hiểm nông nghiệp là loại hình bảo hiểm mới rất phức tạp, lần đầu tiên làm thí điểm nên chưa có kinh nghiệm. Phạm vi, đối tượng, địa bàn bảo hiểm nông nghiệp là khá rộng, mặt khác do tính chất sản xuất nông nghiệp của Việt Nam nói chung, TP Hà Nội nói riêng là sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa tập trung.Diễn biến thời tiết khí hậu, thiên tai, dịch bệnh thời gian qua rất phức tạp, tình hình giá cả thị trường, vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi nhiều biến động làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp. Nhiều nơi người dân chưa mặn mà với việc việc tham gia bảo hiểm cây trồng vật nuôi hoặc một số hộ dân, tổ chức sản xuất nông nghiệp còn tham gia mang tính chất thăm dò, thậm trí có trường hợp lựa chọn đối tượng được bảo hiểm có rủi ro cao để tham gia.  Định hướng công việc trong thời gian tới mà Ban chỉ đạo BHNN Trung ương đưa ra để các tỉnh thành triển khai là tiếp tục nghiên cứu đề xuất các chính sách cho những năm sau về bảo hiểm nông nghiệp. Rà soát, ban hành các quy trình trồng lúa, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản cho phù hợp với đặc điểm sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Tăng cường các hình thức tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân về bảo hiểm nông nghiệp để nâng cao số hộ dân tham gia đợt bảo hiểm thí điểm này. Đồng thời tiếp tục tổ chức triển khai ký kết hợp đồng bảo hiểm cho người dân đảm bảo đúng đối tượng, chính sách, phạm vi, quy tắc bảo hiểm. Thực hiện tốt việc giải quyết bồi thường, tuân thủ quy định, phòng ngừa trục lợi bảo hiểm. Các hợp đồng bảo hiểm thí điểm tại các hộ dân được ký kết đến ngày 31/12/2013 và sẽ tổng kết đánh giá trước ngày 30/6/2014. Ban chỉ đạo thí điểm bảo hiểm nông nghiệp Thành phố Hà Nội tiếp thu ý kiến của Ban chỉ đạo BHNN trung ương để triển khai có hiệu quả trên địa bàn huyện Ba Vì, Chương Mỹ. Một số giải pháp mà Hà Nội sẽ tập trung triển khai trong thời gian tới là tăng cường công tác chỉ đạo đến các huyện, các xã, phát huy cả hệ thống chính trị vào cuộc. Chỉ đạo hệ thống thú y cơ sở trực tiếp tham gia làm đại lý để triển khai đến các hộ chăn nuôi. Tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, đào tạo tập huấn đến cán bộ cơ sở và người chăn nuôi. Phối hợp chặt chẽ với Công ty cổ phần sữa Quốc Tế IDP, Công ty cổ phần sữa Ba Vì trong việc triển khai bảo hiểm bò sữa tại các xã. Đồng thời tăng cường kiểm tra và thực hiện tốt việc đánh giá rủi ro và giải quyết bồi thường khi các hộ dân đã tham gia bảo hiểm./.Nguyễn Ngọc Sơn