Vừa qua, tại huyện Gia Lâm, UBND Thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị sơ kết sản xuất vụ Xuân, triển khai kế hoạch sản xuất vụ Mùa, chuẩn bị sản xuất vụ Đông và nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp thành phố trong thời gian tới. Phó Chủ tịch UBND Thành phố Trần Xuân Việt chủ trì hội nghị.
Page Content
Vụ Xuân 2014, tổng diện tích gieo trồng toàn thành phố là 126.137ha, trong đó diện tích lúa 101.715 ha đạt 99,7% kế hoạch đề ra, thấp hơn vụ Xuân 2013 là 900 ha, nguyên nhân do một số địa phương thực hiện dồn điền đổi thửa còn vướng mắc nên không triển khai gieo cấy theo kế hoạch. Về xây dựng nông thôn mới, đến nay, toàn thành phố đã có 50 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 153 xã đạt và cơ bản đạt từ 14-18 tiêu chí, 148 xã đạt từ 10-13 tiêu chí, không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí. Bên cạnh đó, thành phố đã chủ động xây dựng các phương án phòng chống mưa, bão, úng, sâu bệnh, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tăng giá trị thu nhập và hiệu quả sản xuất trên đơn vị đất canh tác. Tổng diện tích gieo trồng vụ mùa phấn đấu đạt 119.650 ha, trong đó cây lúa 102.000 ha, năng suất phấn đấu đạt 54,5 tạ/ha, sản lượng dự tính đạt 555.900 tấn, cây rau màu 17.650 ha, năng suất 49,5 tạ/ha, sản lượng 20.295 tấn, lạc đạt 700 ha, đậu tương 2.100 ha, rau đậu các loại đạt 7.550...
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Trần Xuân Việt cho biết: Trong vụ Mùa tới, ngoài việc triển khai thu hoạch có hiệu quả cần chú ý phòng chống ngập, tiêu thoát hợp lý. Trong vụ Đông cần tăng diện tích, nâng cao diện tích chất lượng giống cây trồng, xây dựng chính sách hỗ trợ kịp thời đảm bảo nâng cao chất lượng. Phó chủ tịch yêu cầu các doanh nghiệp thuỷ lợi cần xây dựng phương án phòng chống bão lũ, tiêu thoát nước, đặc biệt tập trung xử lý các điểm sạt lở đê điều, tránh tình trạng gập úng hoặc thiếu nước sản xuất.
Trong vấn đề nước sạch nông thôn, các đơn vị liên quan cần đẩy nhanh tiến độ, đôn đốc, phân bổ nguồn ngân sách hợp lý, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các huyện, các sở ngành. Về xây dựng NTM, các huyện cần dựa vào kế hoạch đề ra cần triển khai nhân rộng ở các xã khác, tập trung hoàn thành ở xã có 14 đến 18 tiêu chí. Trong lĩnh vực chăn nuôi, các địa phương cần coi trọng công tác phòng chống dịch bệnh, chú trọng đến đội ngũ cán bộ thú y cơ sở. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền cho người dân về vệ sinh an toàn thực phẩm trong giết mổ gia súc, gia cầm, tiến hành các dự án giết mổ tập trung./.
Bùi Mạnh Thắng