Skip Ribbon Commands
Skip to main content

ĐÀO TẠO CÁN BỘ VỀ XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN CHUỖI NÔNG SẢN

Vừa qua, Trung tâm phát triển cây trồng Hà Nội tổ chức đào tạo cho cán bộ về xây dựng và phát triển chuỗi giá trị sản nhằm trang bị kiến thức cần thiết khi tham gia vào các chuỗi cung ứng sản xuất đang trở thành xu thế tất yếu.



Với phương pháp thảo luận nhóm, trong thời gian ngắn, giảng viên ThS. Đặng Tuấn Anh - Trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Tây đã truyền đạt khối lượng lớn kiến thức nhằm nâng cao năng lực thông tin tuyên truyền cho cán bộ về nhãn hiệu, thương hiệu và liên kết chuỗi giá trị để hỗ trợ khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố cho 30 học viên. Chuỗi giá trị sản phẩm nông sản hiện nay cho thấy sự hạn chế của các kênh trong chuỗi như: giá trị gia tăng trong từng mắt xích còn thấp, kém phong phú của các tác nhân tham gia; các yếu tố đặc điểm đất đai, cung ứng đầu vào cho quá trình sản xuất, thị trường và tính mùa vụ ảnh hưởng rất lớn tới chuỗi giá trị thông qua giá bán; các yếu tố thuộc về thương mại như hoạt động xúc tiến thương hiệu, phân phối, đóng gói và bảo quản lại chưa được chú trọng… Để hướng tới thị trường thu nhập cao trong nước và xuất khẩu cần có các giải pháp như: sự liên kết thành nhóm các hộ sản xuất, đặc biệt là mô hình liên kết các hộ có vị trí gần nhau để có thể kiểm soát về chất lượng và vận dụng phương pháp canh tác sản xuất sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tiến hành tập huấn và đào tạo cho các hộ về cách thức thu hoạch, bảo quản, vận chuyển hiệu quả và chú trọng hơn tới hoạt động marketing sản phẩm bằng xây dựng nhãn hiệu, mẫu mã, bao bì, quảng cáo gắn các thông tin chi tiết về nguồn gốc xuất xứ, chứng nhận an toàn vệ sinh và phương thức bảo quản phù hợp; tăng tính trách nhiệm bằng cam kết về mặt số lượng và chất lượng và giá bán để đảm bảo quyền lợi giữa các bên; quy hoạch lại hoạt động bán lẻ, kết hợp các cửa hàng, siêu thị ở các khu vực xa hơn, kiểm soát chất lượng và nguồn gốc xuất xứ, tránh tình trạng trà trộn, bán lẻ tại ven đường gây ảnh hưởng xấu tới thương hiệu; tăng cường các biển quảng bá thương hiệu trên các trục đường chính gần địa phương, khuyến khích các hãng lữ hành chọn đó là điểm đến của du lịch sinh thái, du lịch miệt vườn của thủ đô, kết hợp với quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Với các giải pháp trên thì cần có sự quan tâm của chính quyền địa phương, các nhà khoa học và sự phối hợp của các doanh nghiệp chế biến để thành công và tạo ra sự phát triển bền vững cho chuỗi giá trị. Theo nhận định của giảng viên Th.S Đặng Tuấn Anh khi kinh tế xã hội phát triển, phân công lao động càng rõ ràng, đòi hỏi tính xã hội hóa rất cao trong cung ứng, sản xuất và tiêu thụ, vì thế sự hợp tác giữa các khâu trong chuỗi nhằm đảm bảo sử dụng hiệu quả các nguồn lực, giảm các khoản chi phí trung gian không cần thiết để các sản phẩm của bà con nông dân đến tay người tiêu dùng thỏa mãn tối đa nhu cầu và giá cả hợp lý nhất, vì vậy xây dựng chuỗi cung ứng sản xuất nông sản đang trở thành xu thế tất yếu tại Hà Nội. Sau 02 ngày làm việc nghiêm túc, hiệu quả, khóa học đã cơ bản trả lời những vấn đề về tìm hiểu thông tin, nhạy bén trong xác định sản xuất được sản phẩm theo yêu cầu của thị trường, thay đổi tư duy hình thành các khâu trong chuỗi sản xuất, liên kết từ đồng ruộng tới bàn ăn. Xây dựng, duy trì nhãn hiệu và đăng ký bảo hộ là những nội dung mới, rất thiết thực đối với cán bộ của đơn vị sự nghiệp có thu như Trung tâm./. Phan Kế Hoàng