Skip Ribbon Commands
Skip to main content

300 sản phẩm OCOP của Hà Nội sẽ được đánh giá phân hạng trong năm 2019

Hà Nội là địa phương có hơn 1.300 làng nghề và có lợi thế rất lớn khi triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm gọi tắt là OCOP( Ô Cốp). Mặc dù triển khai chương trình muộn hơn so với các tỉnh, thành khác nhưng với cách làm bài bản, khoa học, có sự đúc rút kinh nghiệm từ những đơn vị bạn thì Hà Nội đang dần khai thác được lợi thế, tiềm năng của mình trong việc triển khai Chương trình OCOP, đáp ứng kỳ vọng của người dân các địa phương có nghề truyền thống.



Qua quá trình rà soát, Hà Nội đặt mục tiêu trong năm 2019 sẽ có 300 sản phẩm được đánh giá phân hạng từ 1 cho đến 5 sao, trong đó nhóm các mặt hàng sản phẩm nông sản và hàng thủ công mỹ nghệ sẽ được ưu tiên để đánh giá phân hạng trong năm nay. Tạo cơ sở để Hà Nội tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm OCOP qua hệ thống các Siêu thị lớn của Thủ đô và trong cả nước.

Huyện Mê Linh hiện có 5 làng nghề được thành phố công nhận là làng nghề truyền thống, trong đó thế mạnh của địa phương là các sản phẩm nông sản, hoa cây cảnh.

Theo chỉ đạo của Thành phố, hiện nay, huyện Mê Linh cũng đã thành lập được Ban Chỉ đạo Mỗi xã một sản phẩm của huyện. Từ đó, huyện sẽ tiến hành đánh giá, rà soát các sản phẩm tham gia vào chương trình mỗi xã một sản phẩm từ đó tổng hợp để Thành phố tiến hành đánh giá phân loại, xếp hạng sản phẩm. Khi tham gia vào chương trình Mỗi xã một sản phẩm là điều kiện thuận lợi để các làng nghề được đầu tư, hỗ trợ phát triển hợp lý để phát triển, tiến tới xây dựng thương hiệu cũng như thúc đẩy xây dựng hiệp hội làng nghề để từ đó tạo động lực cho làng nghề phát triển ổn định. Việc triển khai chương trình đã đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân mong muốn phát triển, lưu giữ hồn cốt của làng nghề cho thế hệ mai sau.

Nếu thế mạnh của Mê Linh là các sản phẩm nông sản thì đối với huyện Chương Mỹ chủ yếu là các sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ tinh xảo. Huyện Chương Mỹ hiện có 95 làng có nghề, trong đó có 36 làng nghề được công nhận là làng nghề truyền thống. Trong đó, một số sản phẩm tiểu thủ công nghiệp của huyện đã xây dựng được thương hiệu như: sản phẩm mây tre Phú Vinh, Mây tre đan Chương Mỹ; một số làng nghề được nhiều người biết đến như: mộc Phù Yên, xã Trường Yên, mộc Phúc Cầu, xã Thụy Hương, thêu ren - Yên Cốc, xã Hồng Phong; Nón lá - Văn La, xã Văn Võ; điêu khắc đá – xã Phụng Châu... Quan tâm đúng mức, quảng bá đúng tầm sẽ là cơ hội để các làng nghề của Chương Mỹ mở rộng phát triển, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm làng nghề của địa phương không chỉ trong nước mà hướng tới xuất khẩu.

Đối với Hà Nội, ngay sau khi được UBND thành phố Hà Nội thông qua Chương trình triển khai Mỗi xã một sản phẩm, Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội là đơn vị chuyên trách để phối hợp với các địa phương triển khai chương trình theo đúng kế hoạch đề ra. Theo đó, trong giai đoạn 2019-2020, Hà Nội sẽ tập trung đánh giá phân hạng cho 1000 sản phẩm nông sản, làng nghề của các địa phương. Do thời gian gấp gáp, năm 2019, sẽ có 300 sản phẩm OCOP của Hà Nội được đánh giá phân hạng và sẽ được công bố vào tháng 12 tại Festival Nông nghiệp do UBND Thành phố Hà Nội tổ chức.

Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện. Chương trình xác định 6 nhóm hàng hoá, dịch vụ để thực hiện là thực phẩm, đồ uống, thảo dược, lưu niệm - nội thất - trang trí, vải - may mặc và dịch vụ du lịch nông thôn. Sản phẩm OCOP được đánh giá theo 5 hạng, trong đó hạng 5 sao là cao nhất, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Việc triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm sẽ giúp các làng nghề của thành phố Hà Nội gia tăng giá trị, thu nhập cũng như nâng tầm thương hiệu sản phẩm làng nghề, thu hút nhiều du khách tham quan mua sắm tìm đến với Thủ đô ngàn năm văn hiến./.

TT (Theo Đài PTTH HN)